: 


Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 – 2018: Toàn cảnh và Dự báo

Ngày 9/12/2017 Hội thảo thường niên với chủ đề “Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017– 2018: Toàn cảnh và Dự báo” đã diễn ra. Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã có những phân tích sâu về sự chuyển động và ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, các xu hướng phát triển của thị trường và sự thay đổi về nhu cầu và đầu tư bất động sản trong năm 2018.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính Ngân hàng; ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group; ông Chow Chee Fan, CEO Gamuda Land Việt Nam; ông Phan Thanh Điệp, CEO Phú Tài Land; bà Liễu Nguyễn, Đại diện Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ và ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Đại Việt Group. Bên cạnh đó, hội thảo còn quy tụ hàng trăm khách mời là lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp bất động sản lớn trong cả nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về kinh tế tài chính Việt Nam năm 2017, tiến sĩ kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ, trong năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khởi sắc, đạt 6,7%. Nền kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện ở các yếu tố: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản Việt Nam 2017 cũng đạt được những con số ấn tượng như số doanh nghiệp về bất động sản tăng mạnh. Riêng tháng 11/2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới (tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động). Quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ VND/doanh nghiệp lên đến 69 tỷ VND/doanh nghiệp trong năm 2017. Kết quả kinh doanh cũng khả quan khi hết tháng 9/2017, số doanh nghiệp bất động sản niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%.

Trong khi đó, ông Phạm Thành Hưng, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cengroup có những góc nhìn khác về thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2017. Phân khúc nhà ở rơi vào thực trạng cung vượt cầu. Hầu hết các dự án đều tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, 2017 lại là năm thành công của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Thị trường du lịch phát triển mạnh, tạo tiền đề cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Nhận định thị trường trong 10 năm kế tiếp, ông Hưng cho rằng, ở thị trường nhà ở, nguồn cung phân khúc trung và cao cấp vẫn sẽ chiếm ưu thế. Nguồn cầu phân khúc trung – cao cấp cũng sẽ tăng lên theo đà tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Đáng chú ý, trong khoảng 10 năm tới sẽ xuất hiện những đại đô thị - nơi nhà ở gắn liền với cuộc sống: công việc, học tập và khám chữa bệnh…

Ông Chow Chee Fan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam thì cho rằng trong 5 năm tới, với tăng trưởng GDP lớn hơn 6%, tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng trưởng về thu nhập và gia tăng của tầng lớp trung lưu, người giàu tại Việt Nam. Đặc biệt, tầng lớp cư dân đô thị tại Việt Nam đã tăng từ 28% năm 2015 lên tới 35% năm 2017. Đây sẽ là một nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản tại các thành phố lớn.

Nói về tương lai của thị trường bất động sản, bà Liễu Nguyễn, Đại diện Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ cho rằng xu hướng phát triển các dự án bất động sản trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin là Blockchain sẽ phát triển mạnh.

Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 nhìn chung ổn định và tương đối khởi sắc, dự báo trong năm 2018 xu hướng thị trường cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0 đang đem tới nhiều cơ hội mới cho những nhà đầu tư nhạy bén và có tầm nhìn.